“Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố lớn nhất cả nước thì các bến xe lại nhỏ hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Thậm chí, các bến xe còn bị thu hẹp, đẩy ra vùng ngoại thành để nhường đất xây khách sạn, trung tâm thương mại… là không thể chấp nhận”- Bộ trưởng Bộ GTVT nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng mở đầu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị tổng kết Sở GTVT TP.HCM năm 2009 ngày 20/1. Theo Bộ trưởng nhận định, cuộc chiến chống ùn tắc giao thông và TNGT ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ còn lâu dài và nhiều khó khăn.
Năm 2009, dù nỗ lực trong công tác kéo giảm ùn tắc giao thông và TNGT nhưng thống kê cho thấy 74 vụ ùn tắc trên 30 phút là con số cao kỷ lục từ trước tới nay. “Ngoài những kết quả tốt về kinh tế, xã hội mà TP.HCM đã đạt được thì các vấn đề còn tồn tại, phải khắc phục của ngành GTVT cần phải thẳng thắn nhìn nhận, dũng cảm nhận cái sai để sửa” - Bộ trưởng nói.
Hạn chế xe cá nhân, kéo người dân đến với vận tải hành khách công cộng là một trong những giải pháp chống ùn tắc. Và đến khi các hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt đô thị… đi vào hoạt động thì xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực. Thế nhưng có một thực tế là công tác đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất của loại phương tiện này còn quá ít.
Thực tế, các bến xe buýt hiện đang phải nằm chung với bến xe khách liên tỉnh, nhiều xe buýt của các HTX không có chỗ đậu phải “ăn đậu nằm nhờ” ngoài đường, trước cổng các trường đại học, công viên… Hoặc ngay cả các bến xe khách liên tỉnh cũng chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu đi lại của thành phố hơn 7 triệu dân (chưa kể gần 2 triệu người dân nhập cư các tỉnh).
“Ở một số tỉnh, các bến xe được đầu tư xây dựng hiện đại, cơ sở vật chất không khác gì khách sạn để thu hút người dân đi lại. Thế nhưng Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố lớn nhất cả nước thì các bến xe lại nhỏ hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Thậm chí, các bến xe còn bị thu hẹp, đẩy ra vùng ngoại thành để nhường đất xây khách sạn, trung tâm thương mại… là không thể chấp nhận được!” - Bộ trưởng dẫn chứng.
Chưa hết, hệ thống bến bãi, nhà chờ dành cho xe buýt, xe khách liên tỉnh lại chưa được đầu tư tương xứng nếu không muốn nói bị “bỏ rơi”. Một trong những nguyên nhân khiến người dân “chê” buýt là trạm dừng, nhà chờ chưa tiện lợi (trung bình người dân phải đi 500m mới tới trạm). Nhiều nơi hành khách phải đứng ngoài đường, dưới trời nắng hoặc mưa đón khách vì chưa có nhà chờ…
Được biết, ngay từ năm 2002 Sở GTVT thành phố lập đề án quy hoạch 22 bến bãi trung chuyển xe buýt nhưng đến nay chỉ có 8/22 bến này hoạt động. Hoặc là, dự án Hoàn thiện và phát triển mạng lưới xe buýt đến năm 2015 do UBND TP.HCM “đặt hàng” trường ĐH Bách khoa nghiên cứu với hy vọng phát triển hoàn thiện hệ thống xe buýt thành phố. Trong dự án, các trạm trung chuyển, bến đỗ xe là huyết mạch của mạng lưới xe buýt nhưng hiện tại các thành viên nghiên cứu đề án cũng lo ngại không biết có bến bãi để thực hiện dự án hay không (!).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài khẳng định trong năm 2010 thành phố sẽ cố gắng… đột phá dành đất cho giao thông. Theo đó, thành phố sẽ quan tâm đến các quy hoạch cho đầu tư hệ thống bến bãi, cơ sở vật chất cho xe buýt, bến xe liên tỉnh nhiều hơn…
Theo vietnamnet.vn
Các tin khác :