Bối cảnh và các mục tiêu
Mục tiêu đề ra là điều chỉnh lại và củng cố các cơ quan tổ chức giao thông công cộng tại Hà Nội.
Cơ cấu hành chính ở Việt Nam được phân cấp rất rõ ràng và việc hợp tác giữa các cơ quan còn bị phụ thuộc quá nhiều vào sự can thiệp của các cấp chủ quản. Asia Trans cần khai thông tình hình này để đảm bảo tăng cường các mối quan hệ ngang cấp giữa các cơ quan của thành phố và của Nhà nước chịu trách nhiệm về quy hoạch giao thông và đô thị.
Mục tiêu này có thể đạt được nhờ vào những buổi thảo luận chung và những cuộc hội thảo có sự tham gia của tất cả các tác nhân có liên quan : Sở Giao thông Công chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Cảnh sát giao thông, các văn phòng nghiên cứu giao thông, ...
Những quyết định liên quan đến lĩnh vực phát triển giao thông công cộng trong tương lai như xã hội hoá dịch vụ xe buýt hay xây dựng các công trình hạ tầng giao thông công cộng mới như xe điện hay tàu nội vùng cần được xem xét và đưa ra càng nhanh càng tốt.
3 phương thức hợp tác ngang cấp cần được phát triển :
- Hợp tác giữa các cơ quan chuyên trách về giao thông trực thuộc Uỷ ban Nhân dân Thành phố
- Hợp tác giữa các công ty xe buýt hiện có và những công ty sắp được thành lập
- Hợp tác với chính khách hàng đi xe buýt trong quá trình quy hoạch giao thông công cộng
Các hoạt động của Asia Trans
Những chuyên gia của châu Âu về kinh tế học và tổ chức giao thông, quy hoạch lãnh thổ cùng tham gia vào các nội dung công việc tại Trung tâm Ðiều hành và Quản lý Giao thông đô thị (Tramoc) trong suốt quá trình của dự án.
Cuộc hội thảo này đã được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 17 / 01 / 2003. Những đại biểu thuyết trình là các ông Jean-Claude Gaillot, Giám đốc Giao thông và Quy hoạch vùng Ile-de-France, Yves SINOU, Phó Giám đốc Giao thông và Quy hoạch vùng Ile-de-France và Jean DELETRAZ, cán bộ chuyên trách về đánh giá khả năng cung cấp dịch vụ giao thông của RATP.
Các đại biểu phía Việt Nam đều là các cán bộ lãnh đạo của những cơ quan quản lý về giao thông và công chính của Hà Nội (kể cả trung tâm Tramoc), giám đốc Ban quản lý Giao thông công cộng và Xe điện, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc và Phó Giám đốc Công ty xe buýt Transerco.
Cuộc hội thảo này được tổ chức dưới hình thức nhiều buổi thảo luận theo các chủ đề sau :
- Quy hoạch phát triển giao thông công cộng
- Ðầu tư tài chính cho phát triển giao thông công cộng
- Vai trò của một cơ quan tổ chức giao thông
- Nâng cao khả năng của giao thông công cộng : xây dựng các làn đường riêng và các tuyến xe điện.
Từ những nội dung trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đã rút ra những kết luận và đề xuất để thảo luận trong buổi cuối cùng với sự tham gia của tất cả các tác nhân trong lĩnh vực giao thông, sau đó gửi những kết luận và đề xuất này lên Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Ðến tháng 06 / 2003, một phần trong số những nội dung này đã được đưa vào văn bản định hướng chính thức của Uỷ ban Nhân dân Thành phố gửi tất cả các cơ quan chức năng. Các khuyến nghị chủ yếu tập trung vào hai điểm chính : củng cố về mặt tổ chức và tài chính của cơ quan quản lý giao thông và nhanh chóng xây dựng những làn đường riêng dành cho xe buýt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và kiềm chế các phương tiện giao thông cá nhân.
Sự phát triển mạnh mẽ của giao thông công cộng tại Hà Nội trong những năm qua có liên quan chặt chẽ đến nguồn đầu tư quan trọng của thành phố. Sau gần một thập kỷ không chú trọng, lãnh đạo thành phố đã quyết định tăng cường hỗ trợ cho công ty vận tải. Hiện nay, Uỷ ban Nhân dân Thành phố mong muốn xác định lại mối quan hệ với công ty xe buýt nhằm quản lý tốt hơn nguồn ngân sách trợ giá cho giao thông công cộng.
Trong bối cảnh đó, dự án Asia Trans đã tổ chức một hội thảo về Những mối quan hệ giữa cơ quan quản lý giao thông và các đơn vị khai thác dịch vụ trong lĩnh vực giao thông công cộng từ ngày 24 đến 28 / 05 /2004. Cuộc hội thảo này là dịp để chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu với các cơ quan quản lý của Việt Nam.
Trong ba ngày đầu, đã có nhiều cuộc gặp gỡ được tổ chức giữa ông Michel Bazex, chuyên gia tư vấn của văn phòng Flécheux Ngo & Associés và nhiều cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội về các vấn đề nhượng quyền khai thác dịch vụ công :
Qua những cuộc trao đổi này, các vấn đề liên quan đến việc xây dựng hợp đồng giữa các cơ quan quản lý với các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực giao thông đã được đề cập đến. Các chuyên gia Pháp đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này hay đúng hơn là những kinh nghiệm về quan hệ giữa các cơ quan quản lý giao thông công cộng và các doanh nghiệp khai thác dịch vụ.
Tiếp theo đó, một cuộc hội thảo đã được tổ chức trong hai ngày từ 27 đến 28 / 05 / 2004 tại Hạ Long có sự phối hợp với dự án Hà Nội hướng tới tương lai (dự án Asia Urbs có sự tham gia của ba thành phố Hannovre, Viên và Hà Nội) :
Các nội dung tham luận nhằm vào các nội dung sau :
- "Dự án Asia Trans và những thách thức về giao thông công cộng tại Hà Nội " của ông Walter Molt, chuyên gia tư vấn của dự án Asia Trans
- "Kinh nghiệm của Pháp trong việc ký kết hợp đồng giữa các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp tư nhân " của các ông Michel Bazex và Pierre Anglès d'Auriac
- "Tư nhân hoá giao thông công cộng", tham luận của ông Rainer Hesse - Trans Tec, Hannovre
- "Các hướng tư nhân hoá dịch vụ xe buýt tại Hà Nội" của ông Gordon Neilson, chuyên gia tư vấn của MVA
-
Tổ chức một chuyến công tác nghiên cứu "cấp cao" về xe buýt và xe điện tại Paris, Nantes, Bruxelles, Francfort và Heidelberg
Một đoàn cán bộ của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thực hiện chuyến công tác nghiên cứu tại châu Âu từ ngày 7 đến ngày 18/07/2003 trong khuôn khổ của dự án Asia Trans.
Dẫn đầu đoàn công tác là Phó Chủ tịch UBND phụ trách về hạ tầng. Trong đoàn còn có giám đốc của các Sở Giao thông Công chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Ðiều hành và Quản lý Giao thông Ðô thị, Giám đốc Ban quản lý GTCC và Xe điện cùng Phó Giám đốc Công ty Transerco.
Ðoàn công tác đã được tiếp đón tại Vùng Ile-de-France và đã có những buổi làm việc với nhiều phòng ban của RATP. Ðặc biệt, chuyến thăm này đã tạo cơ hội để Hà Nội mua lại một số xe buýt. Tiếp theo đó, đến tháng 11/2003 đã đặt hàng 100 xe buýt tiêu chuẩn và 20 xe khớp nối.
Tiếp theo đó, đoàn công tác đã tới thăm Nantes một ngày để nghiên cứu hoạt động của xe điện, tới Bruxelles một ngày để làm việc với đối tác địa phương tham gia dự án Asia Trans (vùng Bruxelles Capitale) cũng như với cán bộ phụ trách các chương trình Asia Urbs của Uỷ ban châu Âu. Phái đoàn cũng đã thăm hai thành phố ở Ðức để nghiên cứu hoạt động của các mạng lưới xe buýt và xe điện.
Tổ chức một chuyến công tác nghiên cứu ở Paris, Bruxelles, Hanovre, Innsbruck và Bologne vào tháng 07/2004
Ðoàn cán bộ Việt Nam bao gồm các cán bộ lãnh đạo của UBND Thành phố Hà Nội trong lĩnh vực giao thông. Chuyến công tác này là cơ hội để các thành viên trong đoàn tìm hiểu cách thức mà các thành phố ở châu Âu đã giải quyết những thách thức chính hiện nay trong lĩnh vực giao thông đô thị :
- Những xung đột giữa việc sử dụng xe hơi cá nhân và việc bảo tồn các khu phố cổ
- Quy hoạch các không gian dành cho người đi bộ trong mối liên hệ với giao thông công cộng
- Xây dựng một hệ thống giao thông thống nhất bao gồm nhiều loại hình phương tiện (xe buýt, xe điện, tàu điện ngầm...)
- Các hệ thống điều hành đảm bảo ưu tiên cho giao thông công cộng (xe buýt và xe điện) trong hệ thống giao thông chung
- Quy hoạch các bãi để xe tại các cửa ngõ vào thành phố và nhất là ở những khu vực gần các tuyến đường vành đai
- Các điều kiện cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực giao thông đô thị
- áp dụng các chính sách giao thông đô thị theo hướng phát triển bền vững
|