Nhiều tuyến đường của Hà Nội trước đây ít ùn tắc nay rơi vào cảnh tắc nghẽn thường xuyên, kéo dài. Liên ngành công an và giao thông Hà Nội thừa nhận, việc phân làn đã làm phát sinh một số điểm ùn tắc mới. Nhiều tuyến đường của Hà Nội trước đây ít ùn tắc nay rơi vào cảnh tắc nghẽn thường xuyên, kéo dài. Liên ngành công an và giao thông Hà Nội thừa nhận, việc phân làn đã làm phát sinh một số điểm ùn tắc mới.
Từ ngày 5/9, sau khi học sinh, sinh viên nhập trường, bất cứ thời điểm nào trong ngày phố Nguyễn Thái Học đều có thể xảy ra ùn tắc. 4h chiều ngày 18/9, dọc tuyến phố dài chỉ hơn 1km này xuất hiện 3 điểm tắc nghẽn. Điểm đầu từ bến xe Kim Mã đến ngã ba Nguyễn Thái Học - Hùng Vương, tiếp đó là Nguyễn Thái Học - Chu Văn An và một điểm gần ngã ba Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn.
Chị Huyền, nhà mặt phố Nguyễn Thái Học cho biết, vì là một chiều nên trước đây phố khá thông thoáng, nhưng thời gian gần đây liên tục rơi vào ùn tắc. "Nhà ở giữa phố, nhưng nhiều hôm tôi đi làm về đến đầu phố rồi mà len mất gần nửa tiếng mới về tới nhà", chị Huyền nói. Nút giao thông Nguyễn Lương Bằng - Kim Liên, sau khi Sở Giao thông Vận tải thực hiện hàng loạt các giải pháp để phân làn đã giảm đáng kể tình trạng ùn tắc, nhưng thời gian gần đây, ngã ba Kim Liên mới - Đào Duy Anh thường xuyên rơi vào cảnh ùn ứ. 5h chiều 18/9, dòng phương tiện đang lao nhanh trên tuyến đường Kim Liên mới bỗng phải dừng trước ngã ba Đào Duy Anh. Từ hai phía Giải Phóng - Đào Duy Anh và Kim Liên - Đào Duy Anh, hàng trăm ôtô, xe máy cứ nhao vào đoạn giữa ngã ba khiến giao thông bị ùn ứ.
Tương tự, nhiều ngày nay, sau khi thanh tra Sở Giao thông Vận tải rào một loạt các ngã ba, ngã tư trên đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt để phân luồng giao thông, giảm ùn tắc, đoạn đầu phố tiếp giáp giữa Trần Khát Chân và Kim Ngưu liên tục xảy ra tắc nghẽn.
Hầu như các ngày trong tuần, từ 7h sáng, 5-6 dân phòng phường đã phải có mặt túc trực hướng dẫn giao thông nhưng không vì thế mà ùn tắc ở điểm này giảm. Sáng sáng, người tham gia giao thông phải xếp hàng dài cố nhích từng chút dưới cái nóng mong sớm qua nút thắt.
Một số cán bộ dân phòng cho biết, trước đây nút này rất thoáng nhưng từ khi ngành giao thông phân luồng lại đường Trần Khát Chân và Đại Cồ Việt thì ùn tắc xảy ra.
Theo khảo sát của VnExpress.net, tại nhiều tuyến đường của Hà Nội như: Thái Hà, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn An... tình trạng ùn tắc bắt đầu xuất hiện trở lại. Cá biệt, tuyến phố Chu Văn An, vốn rất ít khi xảy ra tắc nghẽn nhưng vài tuần trở lại đây liên tục xảy ra vào các giờ cao điểm.
Tại cuộc họp liên ngành công an và giao thông về kết quả phân làn giữa tháng 9, Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Hà Nội thừa nhận, công tác phân làn lại giao thông (bịt ngã tư, ngã ba) đã giúp giảm một nửa số điểm ùn tắc cũ, nhưng đang làm xuất hiện một số điểm mới. "Hiện Hà Nội còn 66 điểm ùn tắc, trong đó có 8 điểm mới phát sinh sau khi tổ chức lại giao thông", ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, sau khi bịt các ngã ba, ngã tư, tốc độ thông xe trên những tuyến phố chính được cải thiện, lưu lượng xe từ những con phố này đổ về các tuyến phố nhỏ lân cận cũng tăng đáng kể. Các phố nhỏ vốn quen với lượng phương tiện ít, nay tăng đột biến nên ùn tắc.
Trưởng phòng CSGT Hà Nội ví dụ, sau khi các điểm ùn ứ trên đường Kim Mã được xoá nhờ tổ chức lại các mút Giang Văn Minh, Núi Trúc… thì tốc độ lưu thông từ Kim Mã, qua Nguyễn Thái Học tăng lên. Điều này dẫn tới cường độ, lưu lượng xe dồn về nút Chu Văn An - Nguyễn Thái Học tăng nhanh bất ngờ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thẳng thắn nhìn nhận tuyến đường Tây Sơn – Tôn Đức Thắng, tốc độ xe đã cao hơn nhiều nhờ xoá các điểm ùn tắc gò Đống Đa, Hồ Đắc Di… Nhưng dòng xe này mà gặp một xe từ Bệnh viện Đống Đa ra, nếu xử lý không khéo sẽ ùn cả nút. Đây cũng chính là một điểm có nguy cơ ùn ứ mới.
Theo ông Hùng, thời gian tới, liên ngành sẽ khảo sát, đánh giá lại các điểm ùn tắc trên để đưa ra phương án điều chỉnh cho hợp lý.
(theo vnexpress.net)