Con số 875 vụ TNGT (tính đến hết tháng 11/2009) với 698 người chết, 223 người bị thương dù có giảm khá nhiều so với năm 2008 song vẫn là con số làm đau đầu các nhà quản lý giao thông ở Hà Nội. Vẫn những nguyên nhân xuất phát từ ý thức con người như chuyển hướng thiếu quan sát, đi sai phần đường, đi quá tốc độ... là “thủ phạm” chính của những vụ tai nạn này.
“Đi đường mà cứ lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, không gây TNGT mới là chuyện lạ. ấy thế mà tuyên truyền mấy, xử phạt nghiêm cách mấy cũng không thể dứt được tình trạng này” - một chiến sĩ CSGT bức xúc. Trên thực tế, chỉ cần dành 5, 10 phút quan sát tại một ngã tư bất kỳ tại Hà Nội cũng có thể chứng kiến tình trạng này.
Rất nhiều hội thảo đã được tổ chức, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra với quyết tâm, tâm huyết của những người làm quản lý giao thông xong như trên đã nói, kết quả vẫn không được như mong đợi.
Thống kê số vụ TNGT 5 năm trở lại đây cho thấy, tuy có giảm về lượng qua các năm song vẫn không đáng kể và chưa bền vững. Nếu như năm 2005, số vụ TNGT, số người chết và bị thương lần lượt là 1036, 448 và 817 thì sang năm 2006, con số tương ứng là 1017, 522, 734. Sang năm 2007, con số này là 836, 495 và 523. 2 năm 2008, 2009, sau khi Hà Nội chính thức mở rộng địa bàn, số vụ TNGT cũng vì thế mà tăng theo, tương ứng là 1113 vụ, 868 người chết và 438 người bị thương vào năm 2008. Năm 2009, tính đến hết tháng 11, con số tương ứng là 875 vụ, 698 người chết và 223 người bị thương.
Phân tích của các chuyên gia đến từ Dự án Phát triển nguồn nhân lực giao thông Hà Nội (Trahud) dựa trên dữ liệu tai nạn giao thông của 5 năm này cho thấy nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông không tuân thủ Luật Giao thông như đi sai phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ cho phép, vượt sai quy định, chuyển hướng thiếu chú ý quan sát, không báo hiệu trước... Người điều khiển xe mô tô gây tai nạn luôn chiếm tỷ lệ cao (từ 51 - 62%).
Đối với ô tô, tai nạn chủ yếu tập trung vào xe khách và xe tải (22 - 34%). Sang đường không đúng nơi quy định, không quan sát là những nguyên nhân chính gây tai nạn ở đối tượng người đi bộ (10 - 14%). Cũng theo kết quả phân tích của các chuyên gia Trahud, đối tượng gây tai nạn có độ tuổi chủ yếu từ 18 - 35, thời gian xảy ra tai nạn tập trung nhiều vào ban đêm (từ 18 - 24h). Tai nạn cũng chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ (QL1, QL3, QL5, QL67...) các tuyến đường vành đai (Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng...), tuyến đường hướng tâm (đường Xuân Thủy - Cầu Giấy; Hà Huy Tập - Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Cừ...).
Tại một hội thảo về ATGT mới diễn ra tại Hà Nội, cũng các chuyên gia Trahud đã đề xuất 2 nhóm giải pháp phòng ngừa, kiềm chế tiến tới giảm dần TNGT là tăng cường cưỡng chế và xây dựng cơ sở dữ liệu TNGT. ở nhóm giải pháp thứ nhất, Trahud đề xuất chủ yếu tập trung vào việc tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm đối với các đối tượng chủ yếu nêu trên vào những thời gian, địa điểm thường xuyên xảy ra tai nạn như kết quả phân tích cho thấy.
Với nhóm giải pháp thứ hai, các chuyên gia khẳng định việc xây dựng cở sở dữ liệu TNGT nếu được đảm bảo tính xác thực và độ tin cây cao sẽ tăng được năng lực phân tích cơ sở dữ liệu TNGT, nâng cao năng lực truyền thông, từ đó cung cấp những dữ liệu chính xác nhất cho các ngành để phục vụ công tác phòng ngừa, kiềm chế tiến tới giảm dần TNGT. Để làm được điều này, phía Trahud đề xuất phải thống nhất mẫu báo cáo TNGT và xây dựng phần mềm nhập dữ liệu TNGT, cung cấp máy tính và lắp đặt đường truyền internet cho các đội CSGT.
Cần phải nói rằng, việc đẩy mạnh tuyên truyền hay tăng cường xử phạt cũng không ngoài mục đích nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đáng nói hơn, đây không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều. Ngoài những nỗ lực của các nhà quản lý, các chuyên gia về ATGT, rất cần sự chung tay của toàn xã hội để giảm thiểu nguyên nhân số một gây tử vong trên toàn thế giới này.
Theo Vietnamnet.vn